Giỏ hàng

Sỏi niệu quản

I. ĐẠI CƯƠNG

Sỏi niệu quản gây tắc nghẽn 1 phần hay hoàn toàn lưu thông từ thận xuống bàng quang, sỏi gây giãn niệu quản và giãn đài bể thận.

Sỏi niệu quản để lâu gây xơ niệu quản, chít hẹp niệu quản tại chỗ có sỏi, viêm đài bể thận, ứ mủ thận và phá hủy thận.

Sỏi niệu quản 80% được hình thành do sỏi thận rơi xuống,  yếu tố thuận lợi để hình thành sỏi niệu quản là dị dạng niệu quản, hẹp niệu quản, viêm nhiễm đường tiết niệu.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Lâm sàng 

Biểu hiện lâm sàng của thận ứ nước còn tùy thuộc vào sự tắc nghẽn cấp hay mạn tính , sỏi niệu quản 1 bên hay 2 bên, vị trí sỏi ở thấp hay cao; có nhiễm khuẩn phối hợp hay chỉ ứ nước đơn thuần.

a. Tiền sử:

Có thể bệnh nhân có tiền sử đã được chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu. Hoặc có cơn đau quặn thận, đái ra sỏi.

b. Cơ năng

  • Đau:

– Thường gây cơn đau bão thận với đặc điểm: cơn đau xuất hiện đột ngột sau một vận động, cường độ đau tăng nhanh và kịch phát buộc bệnh nhân lăn lộn, vặn mình để tìm một tư thế giảm đau. Chỉ gặp một số ít bệnh nhân đau âm ỉ hoặc cảm giác tức vùng hố thận.

– Hướng lan cơn đau: thường lan từ trên hố thận xuống dưới và lan ra bộ phận sinh dục ngoài.

  • Rối loạn tiêu hóa đi kèm như: chướng bụng, liệt ruột, nôn mửa, táo bón, không đánh hơi được có thể làm chẩn đoán nhầm với tắc ruột nhưng đôi khi có tiêu chảy. Trong cơn đau, bệnh nhân cũng thường có cảm giác bí tiểu, khó đi tiểu, tiểu nhiều lần, lượng ít, tiểu rắt, tiểu buốt
  • Đái máu, mủ: nước tiểu có máu vi thể hay đại thể, có thể nước tiểu có mủ nếu bị viêm thận bể thận.

c. Toàn thân

  • Nếu bị viêm thận bể thận, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn: Bệnh nhân sốt cao, toàn trạng suy sụp, môi khô lưỡi bẩn, gầy, chán ăn, mệt mỏi…
  • Bệnh nhân có sỏi niệu quản 2 bên, có thể biểu hiện suy thận: đái ít hoặc vô niệu, da xanh tái…

d. Khám tại chỗ hệ tiết niệu

  • Ấn hố thận bên có sỏi bệnh nhân đau tức
  • Thận ứ nước to: Chạm thận (+), bập bềnh thận (+)
  • Ấn đau điểm niệu quản tương ứng vị trí có sỏi: điểm niệu quản trên, giữa, và dưới

2. Cận lâm sàng 

a. Xét nghiệm máu

  • Công thức máu:

 Bạch cầu có thể tăng do nhiễm khuẩn tiết niệu

Thiếu máu nếu suy thận mạn

  • Sinh hóa máu:

Dấu hiệu suy thận: 
          Ure và Creatinin máu tăng

          Điện giải: K máu tăng, toan máu

b. Xét nghiệm nước tiểu

  • Sự hiện diện các tinh thể nói lên thành phần hóa học của sỏi
  • Đái máu đại thể /vi thể :hồng cầu niệu
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu : BC (+++), cấy nước tiểu có VK > 105/ml
  • Có thể có máu, đạm, tế bào mủ hay vi khuẩn
  • pH nước tiểu:

Nếu pH >7,6: nhiễm khuẩn loại phân hủy uré (như Protéus), sỏi trong trường hợp này thường là loại Magnésium Ammonium Phosphate.

Nếu pH luôn luôn là 6,5: nguyên nhân là toan hóa máu do bệnh ống thận (Renal tubular acidosis).

pH luôn luôn thấp dễ tạo sỏi Urate.

c. Siêu âm hệ tiết niệu:

Ưu điểm: rẻ, an toàn, giá trị chẩn đoán cao, có thể làm nhiều lần

Nhược điểm: khó phát hiện sỏi 1/3 giữa và dưới vì vướng hơi ruột

  • Hình ảnh trực tiếp:hình ảnh sỏi niệu quản (đậm âm kèm bóng cản), kể cả sỏi urat
  • Hình ảnh gián tiếp:thận to, đài bể thận giãn, nhu mô mỏng, niệu quản giãn

d. Chụp Xquang

* XQ hệ tiết niệu không chuẩn bị:

  • Sỏi cản quang niệu quản, hoặc kèm sỏi thận 1 bên hay 2 bên (trừ sỏi urat không thấy được)
  • Bóng thận bên tổn thương to (lớn hơn 6×12 cm )

* Chụp UIV (Urography Intravenous- chụp thận bơm thuốc tĩnh mạch):  Đánh giá chức năng thận bên tổn thương và bù trừ của thận bên đối diện.

  • Sỏi niệu quản 1 bên:Thận bên có sỏi sẽ ngấm thuốc kém hoặc không ngấm thuốc nhưng chưa hẳn là thận mất chức năng, cần theo dõi những phim chậm sau 60-90 -120 phút để đánh giá chức năng và hình đài bể thận ứ nước
  • Khi sỏi niệu quản 2 bên hoặc suy thận: phải chụp UIV chậm để đánh giá đúng chức năng và hình thể thận. Nếu 2 thận không ngấm thuốc chụp chậm sau 120-180 phút

e. Chẩn đoán mức độ thận ứ nước(dựa vào siêu âm và chụp UIV)

  • Độ 1: thận to hơn bình thường, thận giảm tiết thuốc (chậm sau 15 phút ) đài bể thận giãn rõ hình chùy, nhu mô thận dày hơn 10 mm
  • Độ 2 : thận to rõ rệt 10×12 cm thận giảm tiết thuốc (chậm sau 30 phút) đài bể thận mờ, giãn hình chùm nho (đk  2 cm) nhu mô thận dày 5-10 mm
  • Độ 3 : thận to rõ rệt 15×12 cm, thận giảm tiết thuốc nhiều (tiết thuốc chậm sau 45 phút) đài bể thận mờ hình quả bóng bàn (2 cm) nhu mô mỏng 3-5 mm.
  • Độ 4 : thận to rõ rệt , chức năng thận giảm nhiều (ko tiết thuốc sau 60 phút ), ko thấy được hình đài bể thận, nhu mô thận mỏng dưới 3 mm hoặc ko đo được

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc chung:

  • Giải quyết tắc nghẽn, phục hồi lưu thông
  • Hồi phục chức năng thận tối đa
  • Hầu hết sỏi < 5 mm đều có thể di chuyển tự nhiên ra ngoài. Kích thước sỏi là một yếu tố quan trọng cùng với mức độ đau trên lâm sàng, mức độ bế tắc, tình trạng nhiễm trùng niệu, chức năng thận sẽ quyết định phác đồ điều trị: theo dõi điều trị thuốc chờ sỏi tự ra ngoài hay cần phải can thiệp lấy sỏi chủ động.

2. Điều trị cụ thể:

2.1. Điều trị nội khoa

– Vì sỏi NQ gây bế tắc và nguy cơ phá hủy thận nặng, nhanh nên chỉ điều trị nội khoa khi sỏi còn nhỏ, đường kính < 5 mm, sỏi nhẵn, bờ rõ nét, chức năng thận và niệu quản bình thường, có khả năng theo dõi sát bệnh nhân. Phác đồ dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện để sỏi di chuyển ra ngoài bằng cách giảm co thắt, giảm đau nếu BN trong cơn đau, uống nhiều nước hoặc truyền nhiều dịch mặn, ngọt đẳng trương.

– Một số thuốc đông y cổ truyền.

– Chất ức chế thụ thể adrenergic hay ức chế kênh Ca2+ được dùng trong điều trị sỏi niệu quản nhằm làm tăng sự di chuyển của sỏi thông qua việc làm giãn cơ trơn niệu quản. Sỏi được tống xuất tự nhiên trong 65% bệnh nhân dùng thuốc ức chế thụ thể adrenergic hay ức chế kênh Ca2+ nhiều hơn nhóm không dùng thuốc. Điều trị nội khoa không những làm tăng tỷ lệ sỏi di chuyển xuống bàng quang mà còn giảm bớt thời gian di chuyển của sỏi và những cơn đau quặn thận. Thuốc giãn niệu quản như ức chế thụ thể adrenergic hay ức chế kênh Ca2+ còn làm tăng áp suất thủy tĩnh phía trên sỏi nên giúp sỏi di chuyển dễ dàng. Tác dụng phụ thường gặp là hạ huyết áp thoáng qua và mạch chậm khoảng 3,5% trường hợp.

– Tamsulosin là chất ức chế thụ thể adrenergic được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, terazosin và doxazosin cũng có hiệu quả tương đương.

2.2. Điều trị ngoại khoa

* Chỉ định can thiệp ngoại khoa

– Sỏi có khả năng di chuyển tự nhiên thấp (> 5 mm).

– Sỏi niệu quản gây tắc nghẽn + nhiễm khuẩn đường tiết niệu

– Không đáp ứng với giảm đau.

– Không đáp ứng với điều trị nội khoa.

– Ảnh hưởng chức năng thận (suy thận, sỏi niệu quản/thận độc nhất, sỏi niệu quản hai bên).

❖ Sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, kích thước nhỏ hơn 1 cm

– Sỏi có đường kính chiều ngang < 7 mm, điều trị nội khoa trước, nếu thất bại chuyển tán sỏi ngoài cơ thể (TSNCT).

– Đối với sỏi có đường kính ngang > 7 mm đến < 1 cm, TSNCT là lựa chọn đầu tiên. Nội soi tán sỏi ngược chiều (NSTSNC) cũng là lựa chọn đối với sỏi có kích thước < 1 cm.

❖ Sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên kích thước > 1 cm

Tùy theo chức năng thận, kích thước và hình dạng sỏi có thể có các lựa chọn sau:

– Tán sỏi ngoài cơ thể.

– Nội soi tán sỏi ngược dòng.

– Tán sỏi qua da.

– Mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi.

– Mổ mở lấy sỏi: là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp trên không thực hiện được.

❖ Sỏi niệu quản đoạn 1/3 dưới

 Tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng là lựa chọn đầu tiên.

(Nguồn sưu tầm).

SẢN PHẨM HỖ TRỢ PHÒNG CHỐNG SỎI TIẾT NIỆU

Nhà sản xuất: CÔNG TY CP DƯỢC PHẨM TRUNG ƯƠNG MEDIPLANTEX

Nhà phân phối: CÔNG TY CP DƯỢC PHẨM NGHĨA DŨNG-HOTLINE: 0936360433 /0932190433

Danh mục tin tức

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Zalo Viber